Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Review phim Taste of Cherry

Taste of Cherry- một kiệt tác được phát hành năm 1997. Có thể có nhiều người không thích phim "Mùi vị anh đào" của Iran (giải vàng LHP Cannes '97) do không tìm thấy những yếu tố hấp dẫn thông thường của điện ảnh: cốt truyện gay cấn, kỹ thuật phong phú, người đẹp,… nhưng đã thích thì thán phục bởi nó chứa đựng đầy đủ “hương vị” sang trọng mà điện ảnh nghệ thuật cần phải có.Hãy cùng gamehot24h review về phim Taste of Cherry bạn đọc nhé.

Cốt truyện của Taste of Cherry bắt đầu khá kì lạ: người đàn ông lái chiếc xe hơi cũ kỹ băng qua “chợ người” như gấp rút tìm kiếm…. Chiếc xe bị ẩn tiến dần ra ngoại ô, ngoằn ngoèo theo các dãy đồi khai thác đá, thỉnh thoảng người lái lại thắng xe, hỏi han ai đó đôi câu rồi thất vọng bỏ đi như kẻ không chọn được hàng ưng ý… Mãi khi một chàng lính trẻ bước lên xe quá giang thì sự việc mới rõ ra: ông ta đang tìm “cộng tác viên” cho sự tự sát đã được quyết định, ngay trong đêm nay, trong cái hố huyệt đã được đào sẵn! Công việc rất đơn giản: sáng mai, người được thuê chỉ cần đứng trên miệng hố gọi ba lần tên ông, nếu không nghe tiếng đáp thì lấp đất! Chàng lính nghèo, sau khi hiểu ra cái đề nghị “không tưởng tượng nổi” dù với mức tiền công khá lớn, đã kinh hãi… bỏ chạy!

Mãi gần tối, Badii - kẻ tuyệt vọng - mới tìm được một ông lão đồng ý “hợp tác” sau khi bị một thầy tu từ chối bằng những lý lẽ khuôn mẫu. Ông già tỏ ra thông cảm Badii bởi ông cũng một lần có ý định tự sát: dây đã cột lên cây, cổ sắp đút vào thòng lọng thì những nhánh anh đào chín đỏ làm ông thấy khát, ông ngắt mấy quả cho vào miệng, ôi sao mà ngọt thế…! Đúng lúc đó một đám nhóc dễ thương ùa tới. Ông hăng hái vặt anh đào cho chúng rồi…quên luôn sợi dây! Câu chuyện chết hụt gần như tiếu lâm có vẻ không tác động gì đến Badii, ông vẫn ra nằm xuống lỗ huyệt khi đêm đến, nhưng trong đôi mắt mở to và những thanh âm đời thường đột ngột sắc nét ta bỗng linh cảm một điều khác… Chẳng biết cuối cùng Badii sống hay chết, vì phim bất thần kết thúc bởi cảnh (video) Kiarostami đang chỉ huy nhóm làm phim!
Trả lời câu hỏi phải chăng cái “tái bút” bất ngờ rơi xuống, kỹ thuật ấy nhằm để “lách” kiểm duyệt (tự sát là điều tuyệt cấm trong các nước Hồi giáo), Kiarostami chia sẻ: “Tôi không thích một kết thúc đen tối bởi phim ảnh chỉ là chi tiết của cuộc sống, mà cuộc sống luôn luôn tiếp diễn… Sự cấm đoán không giúp con người sống tốt hơn, chính sự suy nghĩ mới làm ta tiến bộ…”. Nói cách khác, Mùi vị anh đào không cổ xúy hành vi tự hủy mà gợi ra ý thức tự chủ. “Chúng ta không thể quyết định ngày sinh, quốc tịch, màu da,… chỉ có khả năng tự sát là tự do thực sự của con người”. Dĩ nhiên đây là cách nói ẩn dụ. Ba đối tượng: anh lính, thầy tu và ông lão, hoàn toàn không ngẫu nhiên: người thứ nhất hiện thân cho tuổi trẻ, người thứ hai - tôn giáo, người thứ ba - triết học. Cả ba thứ tồn tại cùng lúc trong con người Badii. Tuổi trẻ dị ứng tự sát, tôn giáo cấm đoán, còn triết học giúp con người hiểu biết. Phân thân vậy chăng mà khi tự xô mình tới cái chết, Badii cùng lúc cũng mong muốn được kéo lại bởi những người trợ giúp? Và cái cung cách chết bệnh hoạn kia phải chăng cũng ngầm mang một ý nghĩa tích cực: vẫn còn đó niềm tin tìm thấy sự thuyết phục…?
“Nói về cái chết để đánh giá sự sống tốt hơn” - một ý tưởng khá đẹp, nhưng Mùi vị anh đào được tán dương chính do lối thể hiện độc đáo giàu ngôn ngữ điện ảnh, trong đó mọi cảnh sắc, âm thanh (phim không có nhạc) đều trở thành tín hiệu của cuộc sống. Không vô cớ một mùa thu, một đồi đá, một hoàng hôn,… không vô cớ như cả phim chỉ là chiếc xe nhỏ bé giữa trời đất mênh mông thi thoảng ùa bay đám quạ đen như một điềm báo… Trong phim ta gần như không thấy những khung hình có mặt cùng lúc hai nhân vật. Kiarostami giải thích rằng do tất cả diễn viên đều không chuyên nghiệp nên ông phải quay riêng từng người một để dễ điều khiển. Ông kể: trừ Badii, vốn là kiến trúc sư, các “nhân vật qua đường” không hề biết chuyện phim, chỉ đối đáp theo yêu cầu đạo diễn! Nếu trong ngành điện ảnh phương pháp quay lẻ bị xem là thô thiển, thì ở đây Kiarostami đã biến nó thành phương pháp “bắt hồn” nhân vật. Vai lính trẻ trong phim là mẫu thật, đạo diễn mời anh ta quá giang xe (có giấu máy) nhân đó gợi ý “công việc”. Hốt hoảng gặp phải “thằng điên”, chàng lính vội vàng tung cửa tháo thân khi xe dừng trước lỗ huyệt. Máy quay nhanh nhẹn bám theo cảnh cậu nhỏ băng đồi chạy trối chết - trường đoạn xuất sắc nhất của phim, nhưng đến nay đạo diễn vẫn chưa tìm ra “diễn viên xuất sắc” để trả thù lao!
Kiarostami thường tự trào không biết kỹ thuật điện ảnh, nhưng "Mùi vị anh đào" cho thấy ông là bậc thầy của “chủ nghĩa tối thiểu”, của “kỹ thuật tinh giản” đầy ma lực. Tiếp sau thành công ở Cannes (giải Cành cọ vàng '97), Mùi vị anh đào lại vừa được UNESCO tặng giải mang tên Fellini (Kiarostami đã từng được trao giải Rossellini năm 1992), vinh dự này có ý nghĩa rất lớn vì Rossellini, Fellini là hai đại thụ của hai trường phái hiện thực và siêu thực, đoạt cả hai giải chứng tỏ Kiarostami là người có năng lực sáng tác phong phú, xứng đáng được xếp trong mười gương mặt điện ảnh lớn của thế giới thế kỷ 21. Nhưng có lẽ điều làm nhà đạo diễn “thường bị quở trách” hạnh phúc hơn cả là cùng lúc với sự chuyển biến chính trị theo hướng mở, tên tuổi ông đã bắt đầu được chính thức công nhận trên đất nước Iran. Năm mươi tuổi, Kiarostami còn không ít thời gian để chiêm ngẫm “mùi đời”.
Trên đây là bài review về phim Taste of Cherry. Hãy cùng đón chờ các bài review tiếp theo tại gamehot24h.com bạn đọc nhé!


source https://gamehot24h.com/phim/review-phim-taste-of-cherry-777421.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét