Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Review Inside out

[INSIDE OUT - Cốt truyện “mỏ vàng” đầy tinh quái của Pixar]

Hãng phim hoạt hình Pixar là hãng phim hiếm hoi xây dựng được cho mình một phong cách làm phim riêng biệt và lối kể chuyện độc đáo được hãng ưu ái phát triển, đủ sức thuyết phục cả giới phê bình và làm hài lòng công chúng. Đó cũng là lý do giải thích được tại sao Pixar cho ra mắt 19 sản phẩm (tính tới thời điểm hiện tại) và mang về cho mình tới 16 tượng vàng Oscar. Bên cạnh những thước phim đầy hấp dẫn về các thế giới giả tưởng rực rỡ sắc màu, những cốt truyện độc đáo, mới lạ, thì yếu tố làm nên thành công và khiến Pixar trở nên độc đáo chính là khả năng lay động khán giả của mình. Và bộ phim hoạt hình 3D - INSIDE OUT do hãng sản xuất và phát hành bởi Walt Disney Pictures cũng không là ngoại lệ. Hãy cùng gamehot24h review về Inside out bạn đọc nhé.
INSIDE OUT sở hữu một cốt truyện đầy tinh quái khi lấy bối cảnh là thế giới cảm xúc và ký ức trong đầu cô bé Riley Anderson 11 tuổi. Còn điều gì có thể bộc lộ nội tâm nhân vật rõ hơn là chính thế giới bên trong não bộ nhân vật ấy? Trung tâm não bộ của cô bé Riley được điều khiển bởi 5 nhân vật chủ đạo đại diện cho 5 cảm xúc chính của con người: Joy (Vui vẻ), Sadness (Buồn bã), Fear (Sợ hãi), Anger (Tức giận) và Disgust (Chán ghét). Nhân vật Riley được xây dựng là một cô bé vui vẻ, hoạt bát cùng với niềm yêu thích với bộ môn khúc côn cầu và một gia đình hạnh phúc với bố mẹ dù bận rộn vẫn dành thời gian quan tâm đến cô. Hẳn nhiên lúc này cảm xúc chủ đạo của cô bé sẽ là Vui vẻ (Joy). Và chính vì thế mà vấn đề đã được đặt ra ngay từ những phút đầu của bộ phim, khi mà các cảm xúc chủ đạo tại trung tâm điều khiển đều không hiểu được nhiệm vụ của Sadness và cảm thấy sự tồn tại của nhân vật ấy là phiền phức, Joy đã hình thành chính kiến rằng Riley chỉ nên có những cảm xúc vui vẻ, từ đó mà vô tình gạt bỏ hẳn Sadness, tránh xa khỏi thế giới cảm xúc của Riley.
Nút thắt của câu chuyện bắt đầu khi gia đình Riley chuyển tới San Francisco, tại nơi mọi thứ đều mới mẻ và không như cô bé mong đợi, lúc này Sadness lại giữ một vai trò quan trọng hơn bên trong trung tâm điều khiển, từ đó mà dẫn theo một loạt mâu thuẫn giữa Sadness và Joy mà đã dẫn tới bước ngoặt là 2 nhân vật chính này bị đẩy ra khỏi trung tâm điều khiển cùng với những ký ức cốt lõi - những ký ức quan trọng ảnh hưởng sâu sắc tới cảm xúc của Riley. Phân cảnh thứ hai và ba tập trung vào quá trình trải qua khó khăn và thử thách của Sadness và Joy để trở lại trung tâm điều khiển cùng với những cốt truyện phụ, cốt truyện kết nối đầy cảm động đã mở dần những nút thắt cho câu chuyện.
Ở gần cuối phim, phân cảnh Riley không còn cảm nhận được bất kỳ cảm xúc gì, biểu trưng cho căn bệnh trầm cảm, là lúc mà các nhân vật cảm xúc rất sợ hãi và hoảng loạn. Từ đó mà phim chỉ ra rằng sự vô cảm còn đáng sợ hơn rất nhiều so với việc tức giận, sợ hãi hay chán ghét.
Cách kể chuyện của Pixar nói chung và INSIDE OUT nói riêng độc đáo ở cách xây dựng cấu trúc theo bố cục gồm 4 phần chính: nút thắt, phân cảnh hai, phân cảnh ba và cao trào. Cốt truyện được xây dựng và phát triển dựa trên những mâu thuẫn và kịch tính mà cụ thể ở đây là những đe dọa đến sự tồn tại của nhân vật, đẩy nhân vật đến ngã rẽ của sự sống và cái chết (những nguy hiểm rình rập trên hành trình của Joy và Sadness) để rồi từ đó họ tìm cách vượt và phát triển hoàn thiện thế giới nội tâm ngay trong những khoảnh khắc tưởng chừng đã bị đẩy đến đường cùng ấy. Sự tinh tế của bộ phim nằm ở chỗ, quá trình thay đổi và hoàn thiện của 2 nhân vật chính được miêu tả luôn song hành chứ không hề được tách biệt để phân tích. Cũng giống như việc một sự thay đổi của chỉ một cảm xúc thôi cũng ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới cảm xúc của Riley.

Thế giới kì ảo đầy sáng tạo

Thế giới tưởng tượng đầy độc đáo và “hoạt hình” của tác phẩm được khắc họa vô cùng sáng tạo và rực rỡ, với sự đầu tư nghiên cứu của đội ngũ sản xuất cũng là yếu tố góp phần nâng cao trải nghiệm của người xem. Việc phác họa nên các nhân vật cảm xúc theo đúng đặc tính của họ: Joy vui vẻ, hoạt bát với cặp mắt mở to lấp lánh cùng vầng sáng bao quanh, Sadness với thân hình béo mập, cặp kính dày cộp và lúc nào cũng u ám, nặng nề, Fear luôn lo lắng, gầy gò, Anger béo lùn cùng cái đầu có thể bốc lửa, Disgust cùng với biểu cảm luôn chảnh chọe. Tất cả gây nên sự thích thú cho người xem mà đặc biệt là trẻ em - đối tượng chính mà dòng phim hoạt hình hướng đến.

Trên đây là bài review về phim Inside out. Hãy cùng đón chờ các bài review tiếp theo tại gamehot24h.com bạn đọc nhé!



source https://gamehot24h.com/phim/review-inside-out-780602.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét