Kể từ khi xuất hiện vào đầu thế kỉ XX cho đến thời kì hoàng kim vào những năm 40 - 60 ở Mỹ, dòng phim viễn Tây thu hút khán giả bởi hình tượng những gã cao bồi bắn súng nhanh như chớp, miệng ngậm điếu xì gà, thong dong cưỡi ngựa băng qua những vùng đất khô cằn sỏi đá. Công lí và chính nghĩa của những con người sống ngoài vòng pháp luật, cướp của người giàu chia cho người nghèo, trừng trị kẻ ác được các nhà làm phim khai thác triệt để, tạo nên những hình tượng bất hủ mà ta có thể kể đến trong những tác phẩm tiêu biểu như “Stagecoach” (1939), “High Noon” (1952), “Shane” (1953), “The Searchers” (1956), “The Good, the Bad, the Ugly” (1966),... Nhưng triều đại huy hoàng nào rồi cũng sẽ tới lúc kết thúc. Dòng phim viễn Tây “chết” dần trên chính quê hương của nó, khi khán giả không còn mặn mà với hình tượng người hùng cầm súng cưỡi ngựa, và khi những huyền thoại của dòng phim này lần lượt ra đi. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài tác phẩm khiến người ta một lần nữa tin vào sự hồi sinh của dòng phim viễn Tây, và “Unforgiven” là một tác phẩm như vậy.
Hãy cùng gamehot24h review về Ánh hoàng hôn của những gã cao bồi bạn đọc nhé.
Ra mắt vào năm 1992, “Unforgiven” xoay quanh nhân vật chính là William “Will” Munny (do Clint Eastwood thủ vai), một cựu sát thủ khét tiếng nay đã nghỉ hưu và trở thành nông dân để nuôi hai đứa con sau khi người vợ Claudia qua đời. Trong lúc đang thiếu thốn tiền bạc, chàng cao bồi trẻ Schofield Kid (Jaimz Woolvett đóng) tìm đến Will và đưa ra lời đề nghị cùng nhau đến thị trấn Big Whisky giết hai tên vô lại đã rạch mặt một cô gái điếm, đổi lại họ sẽ nhận được tiền thưởng 1000 USD. Bị cám dỗ bởi món tiền lớn kia, Will quyết định thực hiện phi vụ cuối cùng của mình cùng với ông bạn già Ned Logan (Morgan Freeman đóng) và Schofield Kid. Nhưng mọi chuyện dần vượt ngoài tầm kiểm soát khi họ phải đối đầu tay cảnh sát trưởng man rợ Little Bill (Gene Hackman đóng) của Big Whisky, một người luôn muốn kiểm soát súng đạn và căm ghét những tên tội phạm, nhất là những kẻ sát nhân, bất chấp vì lí do gì.
“Unforgiven” được chắp bút bởi biên kịch David Webb Peoples, đồng biên kịch của “Blade Runner” (1982), và được đạo diễn bởi Clint Eastwood, một biểu tượng sống của dòng phim viễn Tây. Clint Eastwood từng tuyên bố “Unforgiven” sẽ là phim viễn Tây cuối cùng mà ông tham gia với vai trò diễn viên kiêm đạo diễn. Đây cũng là món quà tri ân mà ông dành tặng cho hai người cộng sự, hai người bạn có sức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông, đạo diễn Sergio Leone và đạo diễn Don Siegel. Ở “Unforgiven” có những yếu tố đặc trưng của dòng phim viễn Tây: những tay cao bồi thiện chiến, những màn trả thù đẫm máu, những cuộc đọ súng nảy lửa,... cùng những hình ảnh quen thuộc như những vùng đất hoang khô cằn sỏi đá, những thị trấn thưa thớt dân cư, vài quán rượu nhỏ ven đường,... Và cũng như nhiều phim viễn Tây khác, nhịp phim của “Unforgiven” khá chậm, dễ khiến những ai không quen xem thể loại này cảm thấy chán nản, buồn ngủ. Tuy nhiên phim vẫn có những đoạn cao trào khiến khán giả phải hồi hộp đứng ngồi không yên, nhất là khoảng 20 phút cuối. Chính vì có phần chậm chạp, thiếu kịch tính và quá u ám nên kịch bản của “Unforgiven” dù được viết năm 1976 nhưng đã bị từ chối nhiều lần trước khi đến được tay Clint Eastwood và cũng không có hãng phim lớn nào muốn sản xuất nó, buộc Clint Eastwood và hãng phim của ông phải tự bỏ tiền ra làm phim với kinh phí khoảng 15 triệu USD.
Mặc dù mang nhiều yếu tố đặc trưng của dòng phim viễn Tây nhưng “Unforgiven” vẫn không bị lu mờ trước những tác phẩm cùng thể loại trước đó mà có sức hút đặc biệt nhờ những nét riêng của nó. Nhân vật chính trong “Unforgiven” không phải là một tay cao bồi trẻ trung, lãng tử như nhiều phim viễn Tây khác, mà là một gã sát thủ về hưu tầm 60 tuổi, phải chật vật với trang trại nuôi lợn tồi tàn của mình để nuôi hai đứa con nhỏ. Mà không chỉ nhân vật chính William Munny, nhiều nhân vât khác như Ned Logan, Little Bill cũng ở tuổi xế chiều. Có thể nói rằng, “Unforgiven” đã mượn hình ảnh những tay cao bồi về già để phản chiếu sự thoái trào của dòng phim viễn Tây lúc bấy giờ, một vị vua đã mất ngai vàng ngay trên chính quê hương của mình.
Trên đây là bài review về phim Ánh hoàng hôn của những gã cao bồi. Hãy cùng đón chờ các bài review tiếp theo tại gamehot24h.com bạn đọc nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét