Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Review Requiem for a dream

Hãy cùng gamehot24h review về Requiem for a dream bạn đọc nhé.

Tác giả Hubert Selby Jr. đã nói thế trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2000 với Duncan Elkinson nhân sự kiện ra mắt bộ phim “Requiem for a dream” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình.
Requiem for a dream (RFAD) thật sự là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời, phải nói là xem xong tui đã thần người vì sự choáng ngợp trước ý niệm về những lớp lang hàm nghĩa và cả về mặt hiệu ứng hình ảnh cũng như phong cách làm phim của Darren Aronofsky. Hãy xem ngay khi có thời gian!
“Requiem for a dream” là một nhan đề rất ấn tượng - “Khúc điệu hồn của những ảo vọng”. Gột tả một cách cay đắng Giấc mơ Mỹ và những bi kịch mà nó mang lại. Giống tác phẩm điện ảnh “Mulholland Drive” của David Lynch, một lần nữa American Dream lại làm cho con người ta lao đao đến thế. Một lần nữa, những vong linh bị nguyền rủa bởi những viễn mộng của mình lại bị đẩy vào chốn tàn điêu của thế giới, không ai xót thương. Như khao khát lay lắt rồi chợt lóe giữa Hollywood, RFAD là câu chuyện của nỗi cô đơn và những bi kịch ảo mộng giữa lòng New York.
RFAD là màn trình diễn mãn nhãn với sự sáng tạo và linh hoạt trong tư duy điện ảnh của Aronofsky. Đây chắc chắn là một bộ phim mang màu sắc u tối và gây cảm giác bất an xuyên suốt nếu không nói là kinh sợ cho khán giả. Cân nhắc thì chắc cũng nên cân nhắc một xíu khi xem. Aronosky đã có lối kể chuyện bằng hình ảnh khá tốt và song hành với tinh thần của tác phẩm-  những đoạn hip-hop montage, close-ups montage và duplicate sequence của phim. Những cú cắt nhanh ấy vừa tạo nhịp độ dồn dập cần có cho bộ phim vừa đem lại trải nhiệm giác quan thú vị cho khán giả. Nó đưa người xem vào trong chính cơn phê thuốc của nhân vật (cách nó tác động tới trí não con người), dắt họ vào sâu trong câu chuyện của RFAD bằng cách tạo một mối liên hệ bền chặt mà chất keo chính là sự đồng cảm giữa khán giả với nhân vật.
Âm thanh cũng là một điểm sáng đáng nói của bộ phim. Nhất là phần nhạc leitmotif, mẹ ơi bản Lux Aeterna của Clint Mansell siêu hay và ám ảnh. Một quả nhạc vô cùng phù hợp với phim, giai điệu tăm tối, tiết tấu nhanh với bước dồn càng về sau như chính hành trình bi kịch của nhân vật. Có những phân cảnh vận dụng âm thanh chệch khỏi khung hình tạo không khí rùng rợn khá ổn.
RFAD không chỉ đem tới sự dị và rợn mà còn đóng khung nỗi cô đơn vào trong thước phim của mình. Những góc máy cho đoạn đối thoại giữa nhân vật hầu như rất rời rạc, chỉ tập trung vào nhân vật đang phát thoại làm nên cảm giác trống rỗng và bí bách. Cách Aronofsky blocking máy trong một số cảnh quay cũng tạo cho khán giả xúc cảm lạc lõng như chính nhân vật trong khung hình vậy. Nếu nói về kĩ thuật quay thì đó chỉ là một phần nhỏ trong cách thể hiện nỗi cô đơn của Aronofsky. Cô đơn là thứ bao trùm tác phẩm từ hoàn cảnh nhân vật đến cách mà nhân vật đối diện với nó. Đến khi cuộc đời bị đọa đày, cô đơn là thứ còn lại trước những gì nhân vật phải hứng chịu…
 Đó là cảnh Jim chạy theo dáng hình của Marion trong bộ váy đỏ trên một chiếc cầu gỗ giữa mênh mông biển xanh. Và cảnh tui ấn tượng nhất là khi Jim nhận ra Marion đã biến mất, chỉ còn lại sắc xanh của biển, trời và của chính Jim. Và Jim té ngã. Tui từng đọc đâu đó rằng khi chúng ta ngủ quá sâu, não chúng ta sẽ tưởng rằng ta đã chết và tự đánh thức ta bằng cảm giác vụt chân té ngã. Cú ngã của Jim cũng thế, đó là giây phút Jim phải thức giấc sau rất nhiều giấc mơ của mình, mọi thứ sụp đổ và linh hồn thì mục ruỗng. Đó cũng là giây phút Jim rơi vào đáy sâu của thực tại, cô độc và lạnh lẽo.
Requiem for a dream không đơn thuần là khúc bi ca cầu siêu cho những ảo vọng đã bị vùi tắt, không chỉ là câu chuyện bi kịch về những con người đáng thương trước phương cách cực đoan để chạm đến ước mơ của bản thân. Mà đó là một phần trong bức bích họa về một thế giới tang hoang “đầy” hão mộng, bởi lẽ, con người ta không ngừng mơ giữa hiện thực tréo ngoe. Và về những mặt tối của Giấc mơ Mỹ, tất cả nhân vật ban đầu đều ủ ấp một khao khát đầy hi vọng giải thoát cho đời mình. Chính sự ám ảnh với ảo vọng ấy đã khiến nhân vật nhận ra mọi thứ rồi vẫy vùng trong thực tại tuyệt vọng hòng bấu víu muội tàn của giấc mộng. Cuối cùng, họ là kẻ mụ mị rồ dại bị băng hoại trong cuộc chơi á phiện để giành lấy ước mơ và bị đánh gục bởi chính con quỷ bên trong mình. Họ phê thuốc để trốn chạy thế giới nhưng cũng là tự đẩy nhau đến chốn bạo tàn tận cùng thế giới.
Phim còn gợi nhắc đến “Fight Club”(1999) của David Fincher nữa. Có thời gian sẽ viết thêm về American Dream và những chuỗi phim thuộc đề tài đó. Còn nhiều khía cạnh trong RFAD mà tui muốn đề cập đến như vấn đề phân biệt chủng tộc được đan cài trong phim,... Nếu có cơ hội, tui nhất định sẽ chia sẻ nó.

Trên đây là bài review về phim Requiem for a dream. Hãy cùng đón chờ các bài review tiếp theo tại gamehot24h.com bạn đọc nhé!

 



source https://gamehot24h.com/phim/review-requiem-for-a-dream-785934.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét